Đánh giá Hoàng_Cao_Khải

Hầu hết các sĩ phu đương thời đều coi khinh Hoàng Cao Khải dù Hoàng có tài văn học. Thái độ đó bắt nguồn từ tác phong kẻ sĩ Nho học, vốn bất hợp tác với người Pháp. Hoàng thì ngược lại, cộng tác rất đắc lực với người Pháp. Các con là Hoàng Mạnh Trí, Hoàng Trọng Phu đều làm tổng đốc, Hoàng Gia Mô làm Tri huyện.

Sĩ phu Hưng Yên có đôi câu đối, chửi khéo Hoàng Cao Khải:

"Ông ra Bắc là may, Quan Kinh lược, tước Quận Công, bốn bể không nhà mà nhất nhỉ"."Cụ về Tây cũng tiếc, trong triều đình, ngoài bảo hộ một lòng với nước có hai đâu ?"

Theo Vũ Ngọc Khánh, "Bốn bể không nhà" có ý mỉa mai ông mất gốc; "ông về Tây cũng tiếc" nghĩa đen nói là nói "ông đi về cõi Tây Thiên, âu cũng thiệt thòi" nhưng thực ra là nói mỉa người Tây tiếc vì mất đi tay sai đắc lực. Còn như "một lòng với nước có hai đâu" nghĩa đen là "ông trung thành với đất nước không có người thứ hai", nhưng thực ra là mỉa mai giữa hai đất nước (nước Nam, nước Tây), ông trung với nước nào?[2]

Tuy nhiên Chương Thâu cho rằng Hoàng Cao Khải tuy giúp Pháp đánh dẹp những người Việt kháng chiến, nhưng đôi khi ông cũng ngầm bày đường cho họ chạy thoát, tức là ông ta vẫn ít nhiều "có tinh thần dân tộc". Về phương pháp luận sử học, Hoàng Cao Khải có một phát kiến mới mà sau này Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh đều áp dụng, về nội dung thì ông cũng có những đánh giá khác lạ, đáng được xem là tiến bộ so với thời đó[3].